A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

PCI: nên trả đúng nội hàm cho khái niệm

Gần đây một số chuyên gia về cạnh tranh và chiến lược đã tô hồng cho cái gọi là chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI - Privincial Competitiveness Index) mà quên đi những giả thiết khoa học của mô hình đánh giá này - những giả thiết mà kết quả của nó thường bị kiểm sai trong nhiều trường hợp hơn là được kiểm đúng.

 

Doanh nghiệp chờ đợi đăng ký kinh doanh tại Sở Kế hoạch - đầu tư TP.HCM (ảnh chụp chiều 11-12-2008) - Ảnh: Tuổi Trẻ

Có hay không có năng lực cạnh tranh cấp tỉnh?

        Trong một số phát biểu gần đây của một số học giả có đề cập đến khái niệm “năng lực cạnh tranh cấp tỉnh” hoặc “năng lực cạnh tranh quốc gia” khi sử dụng phân chia về mặt địa lý để phân loại năng lực cạnh tranh. Trở lại tác phẩm kinh điển nhất của Michael Porter về “lợi thế cạnh tranh của các dân tộc” (Competitive advantages of nations, 1998), ông khẳng định do không thể tìm được định nghĩa khái niệm về “năng lực cạnh tranh” cho quốc gia nên ông chỉ có thể chỉ ra khái niệm “lợi thế cạnh tranh” của các quốc gia.

          Lập luận cơ bản là năng lực cạnh tranh gắn liền với “sự tồn tại” của doanh nghiệp. Không thành công trong cạnh tranh, doanh nghiệp sẽ phá sản, lụi tàn. Trong khi đó, không có khái niệm phá sản đối với địa phương hay quốc gia vì những người dân (người chủ sở hữu) của địa phương đó vẫn tồn tại, vẫn chịu tác động và hậu quả bởi các chính sách đã được thực hiện bởi chính quyền trước đó.

          Do đó, khái niệm “năng lực cạnh tranh” là vô nghĩa với một vùng địa lý hay một quốc gia. Giống như khi sử dụng thang đo lường kilôgam chỉ có ý nghĩa khi so sánh cân nặng của 1 người với 1 người, còn khi so sánh cân nặng của 1 người với 1 khối thép thì thước đo đó trở thành vô nghĩa.

          Vì thế, đối với một vùng địa lý, người ta chỉ nói đến các khái niệm: lợi thế cạnh tranh địa phương, thương hiệu địa phương, năng lực thể chế địa phương, năng lực điều hành kinh tế địa phương, chỉ số môi trường kinh doanh của địa phương.

Đứa trẻ 3 tuổi mặc chiếc áo của người 30 tuổi

          Chỉ số PCI do Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam kết hợp với dự án VNCI và Quỹ USAID tài trợ thực hiện việc xây dựng mô hình nhằm đánh giá “năng lực cạnh tranh cấp tỉnh” về “chất lượng điều hành kinh tế để thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân”.

          Như vậy, cụm “chất lượng điều hành kinh tế để thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân” có phải là “năng lực cạnh tranh” của tỉnh hay không? Hoàn toàn không phải! Với nội dung đó, nó chỉ phản ánh được một phần rất nhỏ các yếu tố gắn với địa phương mà chủ yếu là đánh giá vai trò của chính quyền địa phương trong việc hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thị trường.

          Vậy nếu “chính danh” thì phải gọi chỉ số này là “chỉ số chất lượng điều hành kinh tế để thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân”. Còn các chỉ số đánh giá việc địa phương giúp người dân phát triển cuộc sống, cung cấp các dịch vụ công, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thị trường, xóa đói giảm nghèo, phúc lợi xã hội... không được bao hàm trong đánh giá của dự án này - mà đây cũng là các nhiệm vụ then chốt của chính quyền địa phương.

          Như vậy, các tuyên bố về PCI khiến chúng ta hiểu rằng báo cáo này đang cố gắng để mặc một chiếc áo của người 30 tuổi cho đứa trẻ 3 tuổi mà thôi.

Lẫn lộn giữa phương pháp và mục tiêu

          Các tuyên bố của VCCI hay trích dẫn của báo giới đều tuyên bố rằng “báo cáo về PCI”. Bản thân, nếu có, thì PCI chỉ là phương pháp đánh giá chứ không phải mục tiêu đánh giá. Nhầm lẫn giữa mục tiêu và phương pháp là nhầm lẫn cơ bản của khoa học. Đây chỉ là báo cáo đánh giá về chất lượng điều hành kinh tế địa phương chứ không phải báo cáo về chỉ số PCI.

          Bất kỳ mô hình nào cũng là sự khái quát hóa từ các đối tượng đồng cấu và đẳng cấu vào mô hình, nên bao giờ cũng bao hàm trong nó sự cấm đoán, vì thế bất kỳ mô hình nào cũng có sẵn trong nó tính có thể sai. Bản thân mô hình và phương pháp của PCI cũng vậy. Tuy nhiên, nếu sử dụng chỉ số PCI như một công cụ và có điều chỉnh hằng năm thì vấn đề đặt ra là nó có phản ánh được chính sách thực tế hay không?

          Một vấn đề nữa là trong khi chúng ta biết rằng kết quả là còn hạn chế thì chúng ta có thể tuyên bố và để mọi người sử dụng các tuyên bố này như các “luận cứ” phục vụ phát triển chính sách hay không?

Tính đại diện của mẫu điều tra

          Cá biệt, có học giả còn cho rằng tỉ lệ phản hồi chỉ cần 5% là thành công. Học giả này bị lẫn lộn giữa số lượng phản hồi với số thật sự đại diện cho mẫu. Người ta phải từ tập trung (population) rồi lấy mẫu (sample), đại diện cho tập trung phải là từ số lượng doanh nghiệp của từng tỉnh vì có tỉnh nhiều tỉnh ít. Như vậy, nếu xét về số lượng đại diện cho mẫu doanh nghiệp của từng tỉnh thì mẫu là chưa đủ mang tính đại diện.

Sự hạn chế của phương pháp điều tra

          Điều tra hiện nay sử dụng phương pháp gửi bảng câu hỏi và đề nghị doanh nghiệp điền thông tin trả lời. Ở đây, điều tra chấp nhận giả định rằng một doanh nhân tại tỉnh Điện Biên và một doanh nhân tại TP.HCM là có hiểu biết như nhau, tri thức như nhau và đọc phiếu điều tra sẽ hiểu như nhau để có thể trả lời. Đây là một giả định phi thực tế vì không phải ai cũng có thể đọc và hiểu hết ý nghĩa của phiếu điều tra.

          Thứ hai, điều tra chỉ sử dụng phương pháp đánh giá qua doanh nghiệp trả lời thay vì doanh nhân. Doanh nhân có thể giao cho người lao động trả lời thay cho doanh nghiệp mà không phản ánh được thực tế nhận thức của doanh nhân.

          Thứ ba, chỉ sử dụng phương pháp phỏng vấn qua gửi thư phản hồi mà thiếu các phương pháp tiếp cận khác như phỏng vấn trực tiếp, phỏng vấn nhóm... sẽ bị hạn chế trong kết quả điều tra.

Sự hạn chế bởi khái niệm và phương pháp có cho phép có kết quả chính xác?

          Với những hạn chế của khái niệm và phương pháp, chắc chắn kết quả cho ra là còn hạn chế. Tuy nhiên nếu không tham khảo chỉ số này, chúng ta cũng không biết tham khảo tại đâu đánh giá về chất lượng điều hành kinh tế cấp tỉnh.

          Chúng ta không chỉ đánh giá quá khứ, dự đoán tương lai mà chúng ta còn tham gia vào tiến trình kiến tạo tương lai. Nhưng việc chúng ta sẽ làm gì cho tương lai lại phụ thuộc vào việc chúng ta đánh giá thế nào về quá khứ. Đúng là chúng ta thiếu nhiều chỉ số để biết về chính mình. VCCI và VNCI là đơn vị đầu tiên đưa ra mô hình và phương pháp đánh giá về “chất lượng điều hành kinh tế cấp tỉnh” - điều này rất tốt. Nhưng nên trả cho nó đúng những khái niệm mà nó đại diện một cách chính danh thay vì quá tô hồng cho nó.

          Những đánh giá và tuyên bố này sẽ là tham khảo hữu ích khi mọi người thật sự hiểu ý nghĩa của nó. Bên cạnh đó, nhu cầu tiếp theo của xã hội sẽ là phát triển các chỉ số mới cho việc đánh giá địa phương hoàn thiện hơn như chỉ số thương hiệu địa phương, chỉ số lợi thế cạnh tranh của địa phương, chỉ số sẵn sàng hội nhập của địa phương, chỉ số phục vụ người dân phát triển cuộc sống, chỉ số phục vụ doanh nghiệp phát triển thị trường,....

Nguyễn Thành Trung


Tác giả: Nguyễn Thành Trung