Nguyễn Thành Trung (sinh ngày 24 tháng 11 năm 1979) là một doanh nhân, tiến sĩ kinh tế và là nhạc sĩ không chuyên, nguyên quán làng Bằng, xã Văn Bình, huyện Thường Tín, Hà Nội, sinh ra trong một gia đình truyền thống bố là giáo viên dạy vật lý và mẹ là giáo viên dạy toán.
Năm 2004, chỉ 3 năm sau khi tốt nghiệp đại học, trong lúc thị trường còn chưa quan tâm đến vấn đề "thương hiệu", Thành Trung đã cùng PGS.TS. Nguyễn Quốc Thịnh đồng chủ biên cuốn sách "Thương hiệu với nhà quản lý" do NXB Chính trị quốc gia phát hành và đạt giải Đồng sách hay cho dòng sách kinh tế và kinh doanh duy nhất tác phẩm của tác giả Việt Nam năm 2005. Cuốn sách được tái bản có sửa chữa và bổ sung lần 1 bởi Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin năm 2005 và lần 2 bởi Nhà xuất bản Lao động Xã hội năm 2009 và là tài liệu tham khảo hữu ích trong các trường đại học về marketing và quản trị thương hiệu. Năm 2024, Nguyễn Thành Trung đã chủ biên và xuất bản cuốn "Thương hiệu địa phương: Hình ảnh và bản sắc" do Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật phát hành.
Tiếp tục sự nghiệp nghiên cứu chuyên về lĩnh vực thương hiệu, Thành Trung đã xây dựng mô hình "thương hiệu địa phương", "thương hiệu mạnh", "thương hiệu quốc gia" và là trưởng nhóm nghiên cứu hội nhập kinh tế quốc tế các tỉnh/thành phố và một số ngành kinh tế trong nhiều năm với hàng loạt các báo cáo được công bố. Ts. Nguyễn Thành Trung hiện đang là Chủ tịch Hội đồng sáng lập Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh (www.bcsi.edu.vn) và chủ trì nhiều chủ đề, mảng đề tài nghiên cứu gắn với thương hiệu, chiến lược và marketing.
Bên cạnh các lĩnh vực nghiên cứu, Nguyễn Thành Trung đã ra mắt 01 tập thơ Ngạo vào năm 2013 do NXB Hội Nhà văn phát hành, 01 tuyển tập nhạc và thơ "Sống" do NXB Dân trí phát hành năm 2024, đồng thời anh đã phát hành 03 album âm nhạc có chủ đề "Tình yêu đầu tiên", "Nỗi nhớ", "Xa em" với 30 ca khúc trong tổng số khoảng hơn 50 ca khúc sáng tác đã được công bố. Nhạc của Nguyễn Thành Trung là tình ca, những bài hát trữ tình như lời tự sự của tác giả với cuộc sống và con người. Chia tay người bạn thân xa Hà Nội nhiều năm, anh viết "Hà Nội cũ", tôn vinh hình tượng người vợ anh viết "Như tình em", dành tình yêu thương cho con, anh viết "Cho con", "Chị là chị hai"; dành tình cảm cho mẹ cha, anh viết "Cha mẹ tôi già", "Cha để lại cho con", "Tôi thương mẹ tôi"; giới thiệu các nét văn hóa Hà Nội, anh viết "Xích lô đón dâu", "Trà đá vỉa hè", "Cà phê phố", "Hoa thanh xuân", "Thanh âm Hà Nội"; chùm 4 ca khúc bốn mùa đặc tả thời gian và cảm xúc con người mỗi mùa, anh viết "Anh không yêu mùa xuân", "Mùa hè bỏng cháy", "Thu trả cho đời", "Mùa đông nhớ anh"....